Hành vi Họ_Lội_suối

Kiếm ăn

Hét nước tìm các loại thức ăn là động vật nhỏ trong và dọc theo rìa các con sông, suối có nước chảy nhanh. Chúng đậu trên các tảng đá và kiếm ăn ở rìa mép nước, nhưng chúng cũng thường ôm chặt các hòn đá và di chuyển chúng xuống gần về phía nước cho đến khi chìm một phần hay toàn bộ dưới nước. Sau đó chúng tìm kiếm thức ăn dưới mặt nước giữa và gần các hòn đá và các mảnh vụn; chúng cũng có thể bơi bằng các cánh. Hai loài ở Nam Mỹ ít bơi và lặn hơn so với ba loài ở phía bắc.[5] Con mồi của chúng chủ yếu là động vật không xương sống như ấu trùng của phù du (bộ Ephemeroptera), ruồi đen (họ Simuliidae), bọ đá (bộ Plecoptera) và bọ cánh lông (bộ Trichoptera), cũng như cá nhỏ và trứng cá. Động vật thân mềmđộng vật giáp xác cũng có thể là thức ăn của chúng, nhất là trong mùa đông khi ấu trùng của côn trùng khan hiếm hơn.[2]

Sinh sản

Lãnh thổ sinh sản được các cặp hét nước thiết lập dọc theo bờ các sông suối thích hợp và duy trì chống lại sự đột nhập của các con hét nước khác. Trong phạm vi lãnh thổ của mình, các đôi hét nước phải có tổ và các nơi ngủ nghỉ tốt, nhưng yếu tố chính ảnh hưởng tới chiều dài lãnh thổ là khả năng cung cấp đủ thức ăn cho chúng và các con của chúng. Nói chung, chiều dài lãnh thổ vào khoảng từ 300 m tới trên 2.500 m.[2]

Tổ của hét nước thường là kết cấu lớn, thuôn tròn và có vòm, làm từ rêu, với phần ổ bên trong hình chén làm từ cỏ và rễ nhỏ cùng lỗ ra vào từ phía hông. Chúng thường làm tổ tại các không gian gần với nguồn nước chảy. Khu vực này có thể là gờ, rìa hay bờ sông suối, trong kẽ hở hay cống thoát nước hoặc gần cầu. Ít khi chúng làm tổ gần cây cối.[2]

Mỗi lứa đẻ của 3 loài hét nước phương bắc là khoảng 4-5 con; còn ở 2 loài phương nam thì không rõ, mặc dù một số chứng cứ cho thấy ở hét nước họng hung là hai con.[6] Thời gian ấp trứng là 16-17 ngày và sau đó nở thành chim non yếu ớt không thể tự đi kiếm ăn ngay được và chúng được chim mẹ ấp trong vòng 12-13 ngày kế tiếp. Chim non được cả chim bố lẫn chim mẹ cho ăn trong vòng khoảng 20-24 ngày. Chim non thường sẽ sống độc lập với bố mẹ chúng trong phạm vi vài tuần sau khi rời tổ. Hét nước có thể đẻ ngay lứa thứ hai nếu điều kiện thuận lợi.[2]

Liên lạc

Tiếng kêu của hét nước to và có cường độ cao, tương tự như tiếng kêu của các loài chim khác sống ven các con sông chảy nhanh; tần số âm thanh của chúng nằm trong khoảng hẹp 4,0-6,5 kHz, vừa đủ cao hơn tần số của sóng âm do dòng nước xiết tạo ra (vào cỡ <2 kHz).[7] Hét nước cũng liên lạc với nhau bằng các chuyển động ngâm mình hay nhấp nhô bập bềnh trong nước rất đặc trưng của chúng, cũng như bằng cách nháy mắt nhanh để lộ ra các mí mắt nhạt màu của chúng như là một loạt các tín hiệu màu trắng trong các biểu lộ tán tỉnh hay đe dọa.[4][8]

Liên quan